Một số biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và công tác nuôi tái đàn lợn

I. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

1. Đặc điểm chung

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh, gây bệnh cho lợn mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn với tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi rút gây bệnh DTLCP có sức đề kháng cao với môi trường, do vậy khó có thể loại trừ triệt để được bệnh nếu xảy ra dịch bệnh DTLCP. Vi rút DTLCP lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn thừa của lợn nhiễm bệnh hoặc chuột, ruồi muỗi...

Bệnh DTLCP xuất hiện ở 04 thể sau: Thể quá cấp tính, thể cấp tính, thể mãn tính và thể ẩn bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh từ 3 - 4 ngày, lợn sốt cao 40,5 - 420 C, lợn không ăn, lười vận động, xuất huyết ngoài da; Trong 1 - 2 ngày trước khi con vật chết có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mữa, tiêu chảy đôi khi có lẫn máu hoặc táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy máu. Lợn chết trong vòng 6 13 ngày hoặc 20 ngày.

2. Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho đàn lợn, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lí triệt để ổ dịch ngay từ khi còn ở phạm vi nhỏ để hạn chế lây lan. Để phòng, chống bệnh DTLCP nói riêng và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi nói chung, người chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp như sau:

2.1. Về chuồng trại

Chuồng nuôi phải cách biệt với nhà ở và khu chăn nuôi gia súc, gia cầm khác. Có tường rào bao quanh khu vực chăn nuôi. Khuyến khích người chăn nuôi xây dựng, chuyển đổi công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) để hạn chế việc xâm nhập của vật chủ trung gian truyền bệnh như các loài côn trùng, chuột, chó, mèo, chim...mang mầm bệnh từ các cơ sở chăn nuôi và những nơi khác có mầm bệnh xâm nhập vào trang trại, cơ sở chăn nuôi. Đối với nuôi lợn theo phương thức chuồng hở phải có lưới bao quanh chuồng nuôi để ngăn chặn các loại động vật, chuột, côn trùng... tiếp xúc với lợn. Tại cửa ra vào khu vực chăn nuôi, cửa ra vào của các dãy chuồng phải có hố sát trùng, tiêu độc. Nước thải, chất thải từ các ô chuồng được đổ thẳng ra hệ thống thu gom chung. Đường thoát chất thải chung từ các ô chuồng đến khu xử lý chất thải phải đảm bảo kín như hố phân hoặc hầm Biogas. Tại các ô chuồng phải bố trí máng ăn, máng uống riêng, không sử dụng chung máng ăn, máng uống giữa các ô chuồng.

2.2. Yêu cầu về con giống

Lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, chất lượng con giống đảm bảo. Đối với lợn nhập từ tỉnh khác phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 02 tuần. Không tăng đàn, tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

2.3. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng, không bị mốc. Hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải được xử lý nhiệt để diệt mầm bệnh trước khi cho ăn; đồng thời vệ sinh sát trùng dụng cụ cho ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

+ Nước phục vụ cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, sử dụng nước máy, giếng đào, giếng khoan. Không sử dụng nước từ các ao, hồ, sông, cho lợn ăn, ống, tắm, rửa chuồng trại. Tăng cường sức đề kháng cho lợn bằng cách bổ sung vitamin, điện giải và các chế phẩm sinh học vào thức ăn.

+ Áp dụng phương thức quản lý "cùng vào-cùng ra" theo thứ tự ưu tiên, dãy

chuồng, ô chuồng.

+ Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho lợn như: Vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Tai xanh, Lở mồm long móngcho từng loại lợn và từng lứa tuổi phù hợp.

+ Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Nếu xung quanh có dịch bệnh không cho người ngoài đến khu vực chăn nuôi, người chăn nuôi cũng không sang nơi có dịch. Khi xuất bán lợn không nên cho người và phương tiện vào trong nếu chưa được sát trùng đúng quy định.

2.4. Vệ sinh khử trùng tiêu độc

Khi chưa có dịch định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi (01 lần/tuần) bằng các loại hóa chất như: Iodine 10%, Benkocid, nước vôi, vôi bột...; Phân, chất độn chuồng cần được thu gom và ủ với vôi bột trước khi sử dụng. Khi có dịch xảy ra, tại ổ dịch (xã, thị trấn có dịch) và vùng bị dịch uy hiếp (xã, thị trấn tiếp giáp với ổ dịch) thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 02 tuần tiếp theo. Vùng đệm (các xã, thị trấn tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp) thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc 01 lần/tuần liên tục cho đến khi kết thúc dịch.

2.5. Phòng chống dịch bệnh

- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và quan trọng nhất; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại chuồng trại, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ lợn.

- Cần có các biện pháp kiểm soát vật chủ gây bệnh gián tiếp:

+ Kiểm soát phương tiện, dung cụ ra vào khu vực chăn nuôi: Phải thay quần

áo, giày dép, đồ bảo hộ phù hợp và thực hiện các biện pháp khử trùng trước khi ra vào khu vực chăn nuôi. Các phương tiện, dụng cụ, giày dép, ủng đều phải khử trùng trước khi ra, vào khu chăn nuôi. Định kỳ khử trùng các thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong khu chăn nuôi. Hạn chế khách thăm quan và những người không phận sự ra, vào khu chăn nuôi.

+ Phải trang bị quần áo, bảo hộ lao động sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi. Người chăn nuôi phải thay quần áo, bảo hộ lao động trước khi ra vào khu vực

chăn nuôi đồng thời định kỳ khử trùng quần áo, bảo hộ lao động.

+ Trường hợp phát hiện đàn lợn nuôi có biểu hiện bất thường, nghi bị dịch bệnh, cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

- Kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn:

+ Trong trường hợp không có bệnh DTLCP, cần tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn tại nơi xuất phát, thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch, các quy định, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Tổ chức lấy mẫu đối với trường hợp lợn, sản phẩm từ lợn nghi mắc bệnh.

+ Trong trường hợp có bệnh DTLCP, đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP thì được vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện. Với lợn khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có lợn mắc bệnh, lấy mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP được vận chuyển để nuôi hoặc tiêu thụ tại địa bàn cấp tỉnh.

- Tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh.

- Đối với cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn phải thực hiện lợn đưa vào giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, nghiêm cấm không được giết mổ lợn bị mắc bệnh, lợn có biểu hiện bị bệnh phải dừng ngay việc giết mổ thông tin cho cán bộ thôn, cán bộ thú y xã biết để kiểm tra xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tuyệt đối không giấu dịch, mua bán, vứt xác lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh ra ngoài môi trường. Khi phát hiện lợn, các sản phẩm từ lợn nghi nhiễm mầm bệnh hoặc vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu cần báo ngay cho thú y xã hoặc chính quyền địa phương.

- Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.

II. CÔNG TÁC NUÔI TÁI ĐÀN LỢN

Người chăn nuôi khi thực hiện tái đàn cần đảm bảo những điều kiện sau:

1. Nguyên tắc nuôi tái đàn

- Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP, chỉ được nuôi tại cơ sở tập trung chưa bị bệnh DTLCP, đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, được cấp chứng nhận VietGaHP, GlobalGAP hoặc được chính quyền cơ sở, cơ quan thú y địa phương xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu an toàn dịch bệnh để tái đàn, tăng đàn.

- Chỉ nuôi tái đàn tại cơ sở chăn nuôi lợn chưa bị bệnh DTLCP hoặc cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày và không tái phát bệnh DTLCP; bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

2. Yêu cầu đối với cơ sở nuôi tái đàn

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi nuôi tái đàn lợn, tăng đàn theo quy định của luật chăn nuôi.

- Có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y và các biện pháp quản lý cơ sở chăn nuôi theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được cấp chứng nhận cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGaHP, GlobalGAP.

- Định kỳ lấy mẫu môi trường, nước, chất thải... xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTLCP đối với các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.

3. Các bước nuôi tái đàn

- Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để đảm bảo không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày.

Nguyễn Thị Hồng Xinh - CC Văn hoá - Xã hội
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !